Tại phiên họp, bà Nguyễn Thanh Hải – Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội trăn trở về thời điểm khai giảng và bế giảng năm học. Theo bà Hải, hiện nay các trường đều tổ chức học 2 – 3 tuần, thậm chí 1 tháng mới khai giảng. Như vậy, khai giảng có ý nghĩa gì đối với học sinh?
“Nhiều người cho rằng thiếu thời gian học nên phải tổ chức học sớm, tôi không đồng tình vì thời điểm bế giảng thì đã thi xong, cô và trò đến trường đã hết chương trình, chỉ làm điểm và chờ bế giảng. Chúng ta đang mất khoảng 2-3 tuần, như vậy rất lãng phí thời gian”, bà Hải nói.
Ông Đỗ Bá Tỵ – Phó Chủ tịch Quốc hội lo ngại chương trình giáo dục gây áp lực cho học sinh. “Cần nghiên cứu giảm tải ngay các môn học trong chương trình phổ thông, đặc biệt là cấp tiểu học và trung học. Những môn mang tính chất hàn lâm nên đưa ra khỏi chương trình”.
Ông Tỵ cho rằng, phải làm sao để các em chỉ học 1 buổi, còn 1 buổi có thể ở nhà giúp gia đình, tự học, tiếp thu kiến thức thực tế, gắn học tập với thực hành, học mà chơi, chơi mà học. Học sinh học con trâu, học con dế mèn… mà không biết các con vật đó thực tế bên ngoài như thế nào, ông Tỵ nói.
“Thực nghiệm gì mấy chục năm vẫn còn thực nghiệm”
Đồng quan điểm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ, ngày khai giảng hiện được tổ chức hình thức quá, đánh trống khai giảng mà đã học trước nửa tháng.
“Tôi thấy rất thương học sinh hiện nay học quá khổ sở. Thế hệ chúng tôi học cách đây đã 50, 60 năm nhưng kiến thức không quên điều gì. Tất cả các bài từ vỡ lòng vẫn nắm chắc. Trong đó, 3 tháng hè chúng tôi vẫn được nghỉ trọn vẹn. Học sinh hiện nay không có 3 tháng hè trọn vẹn, không có tuổi thơ, không có vui chơi. Tôi thấy có cải cách như thế nào, tất nhiên phải đổi mới căn bản toàn diện nhưng sau khi đổi mới rồi phải có tính ổn định và thống nhất đồng bộ. Không thể có sách giáo khoa tự chọn, trường này muốn học sách này, trường kia muốn học sách kia”, bà Ngân nói.
Chủ tịch Quốc hội trăn trở: “Thực nghiệm gì mấy chục năm vẫn còn thực nghiệm. Hết chương trình này thí điểm, chương trình kia thực nghiệm, khổ lắm. Một giáo viên bày tỏ với tôi rằng kiểu giáo dục bây giờ rất khó, không làm cho học sinh tiếp thu dễ dàng mà đặt ra nhiều vấn đề quá cao siêu, hàn lâm. Thực hiện đổi mới nhiều quá không biết kinh nghiệm ở đâu mà làm quá khổ học sinh”.
Bà Ngân cũng đề cập đến chất lượng giáo dục khi học sinh học tập nhiều, không có thời gian nghỉ hè, nhưng khi hỏi về kiến thức lịch sử, địa lý… thì không trả lời được.
Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân cũng thẳng thắn chỉ rõ những bất cập trong sách giáo khoa: “Tỉnh Quảng Nam có sách vở riêng cho Quảng Nam, rồi tỉnh nào có riêng cho tỉnh đó thì nên giáo dục như thế là không được”.
Chủ tịch Kim Ngân nêu bất cập về việc sử dụng từ ngữ vùng miền khiến học sinh không nắm bắt được… Sách giáo khoa phải thông dụng cho học sinh cả một dải đất nước hình chữ S.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng, việc sửa đổi Luật Giáo dục có quá nhiều vấn đề cần phải bàn luận kỹ. Chủ tịch đề nghị Uỷ ban Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội tiếp tục đầu tư về nội dung này, cần trách nhiệm trước thế hệ con em chúng ta, vì trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai.
Theo Lao động online
CÁI KẾT CHUYỆN CÓC KIỆN TRỜIÔng to bà lớn cũng than phiền GD hiện nay, rất thương cho trẻ con học sinh. Nó học rất khổ sở, không có hè, không có tuổi thơ, không có vui chơi…
Người đăng: Võ Tâm vào Thứ Năm, 13 Tháng 9, 2018