Giáo viên dạy giỏi phải giúp học sinh thay đổi tích cực
Lượt xem:
Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xây dựng dự thảo quy định việc xét, công nhận giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi các cơ sở giáo dục, thay vì tổ chức hội thi như trước đây. Nhiều giáo viên đồng tình, nhưng cũng có ý kiến muốn giữ kỳ thi giáo viên giỏi!
Trước hết, chúng ta hãy nhìn ra thế giới xem họ công nhận giáo viên dạy giỏi thế nào. Từ năm 2014, Tổ chức từ thiện giáo dục Varkey Foundation (thuộc tập đoàn giáo dục GEMS) mỗi năm đều tìm ra một giáo viên để trao giải thưởng Giáo viên toàn cầu trị giá một triệu USD.
Cô Andria Zafirakou, giáo viên Mỹ thuật và Dệt may Trường cộng đồng Alperton ở Brent, Tây Bắc London, được vinh danh là giáo viên giỏi nhất thế giới năm 2018. Địa phương nơi trường cô đóng là một trong những nơi nghèo nhất ở nước Anh, là khu vực bạo lực, có tỷ lệ giết người cao thứ hai cả nước. Cô giáo đã giúp học sinh xóa bỏ rào cản ngôn ngữ, bởi ở đây có đến 149 ngôn ngữ.
Năm 2019, Peter Tabichi, giáo viên Vật lý và Toán tại Trường trung học Keriko, làng Pwali, thuộc thung lũng Rift của Kerya được vinh danh giáo viên giỏi nhất thế giới. Nơi Peter Tabichi dạy học, nhiều học sinh là con em của gia đình nghèo, học sinh mồ côi, sử dụng ma túy… Tabichi giúp học sinh nuôi dưỡng ước mơ, giúp các em tin rằng có thể làm bất cứ điều gì. Với sự dìu dắt của thầy giáo Peter Tabichi, nhiều học sinh thành công.
Tại Việt Nam, cô Trần Thị Thúy, giáo viên Trường THPT Đức Hợp (Đức Hợp, Kim Động, Hưng Yên) – được tổ chức Varkey Foundation chọn là một trong 50 giáo viên toàn cầu có đóng góp đặc biệt xuất sắc cho sự nghiệp giáo dục. Những dự án của cô Thúy, giúp học sinh giỏi tiếng Anh, giúp không chỉ các em mà cộng đồng thay đổi để bảo vệ môi trường.
Có thể thấy, những giáo viên được vinh danh đều công tác ở vùng thiếu thốn nhưng giàu nhiệt huyết, giỏi chuyên môn, linh hoạt, sáng tạo trong dạy học.
Thi hay xét công nhận giáo viên giỏi, nếu giao cho cơ sở giáo dục, coi đó là nội dung của công tác quản lý rồi sẽ nảy sinh bất cập. Áp lực cho giáo viên, ganh đua trong nội bộ, thực hiện hình thức sẽ làm biến tướng việc xét công nhận giáo viên giỏi. Như nguyên tắc bình thông nhau, “bịt” thi, “mở” xét…, cũng bình ấy, nước ấy, nhà quản lý ấy, giáo viên giỏi rồi sao? Đó là lý do có tâm tư khi thảo luận dự thảo Thông tư xét công nhận giáo viên giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi.
Nhiều năm qua, ngành giáo dục Việt Nam xét công nhận giáo viên giỏi thông qua hình thức thi (kiến thức, sáng kiến kinh nghiệm, thực hành tiết dạy). Có thầy cô xứng đáng với danh hiệu giáo viên giỏi, nhưng đâu đó cũng còn những khoảng tối, bệnh thành tích, “diễn”, áp lực…
Còn nếu công nhận giáo viên giỏi hàng năm, nhiều giáo viên ở trường chuyên, lớp chọn, trường chất lượng cao có lợi thế. Vùng thuận lợi, giáo viên càng thuận lợi để thi và được công nhận giáo viên giỏi. Nơi đặc biệt khó khăn, họa hoằn lắm mới có. Cấp công nhận và ở các cơ sở giáo dục khác thì “ừ… có giỏi”, rồi lãng quên. Nơi xa xôi, giáo viên lầm lũi ngày hai buổi đến trường. Vinh quang ít đến với giáo viên ở những nơi này.
Một lớp học vùng cao ở Quảng Ninh. Ảnh: Minh Cương |
Từ thực tế trên, tôi xin có mấy góp ý. Một là phẩm cách giáo viên giỏi phải nổi trội: Không ngại gian khổ, hết lòng vì giáo dục học sinh dù điều kiện dạy và học vô cùng khó khăn. Thử thách giáo viên càng cao, nếu vững vàng vượt qua họ sẽ như ngọn hải đăng giúp đồng nghiệp định hướng đúng, đưa học sinh đến bờ kiến thức, kỹ năng. Năng lực của giáo viên giỏi: Biết dạy học sinh sáng tạo, biết dạy học sinh làm người tử tế, sống an toàn, học tập tốt, khởi nghiệp thành công.
Hai là việc xét công nhận giáo viên giỏi tại cơ sở giáo dục cần dựa vào ý kiến của phụ huynh, học sinh là căn bản. Đồng nghiệp đánh giá một giáo viên về mặt chuyên môn, nhưng tác nghiệp của giáo viên, sự ghi nhận thì không gì bằng chính phụ huynh, học sinh. Xét công nhận giáo viên giỏi cấp huyện, tỉnh, toàn quốc, trong bối cảnh hiện nay nên giao cho một hội đồng gồm các nhà giáo có đạo đức, giỏi chuyên môn, có uy tín cùng với các tổ chức đoàn thể khác như Hội Cựu giáo chức, Hội Khuyến học…
Ba là minh chứng để xét công nhận giáo viên giỏi đó là sự thay đổi từ học sinh (lớp giáo viên phụ trách), từ đạo đức, thể chất, hợp tác, chia sẻ… Tóm lại, kết quả giáo dục đạt được sâu sắc, độc đáo, ấn tượng, nhân văn. Những thay đổi ấy cho kết quả bền vững (thực tế), tuyệt nhiên không thể là kết quả qua báo cáo đọng lại những tính từ. Giáo dục trong thế giới phẳng, sự lan tỏa các biện pháp giáo dục nổi trội từ giáo viên, không dừng ở một địa phương, xa hơn là các địa phương khác, vượt khỏi biên giới của quốc gia, xét công nhận giáo viên giỏi cần tính đến điều đó.
Bốn là thời điểm công bố công nhận giáo viên giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi nên lấy ngày khai trường 5/9.
Năm là các cơ sở giáo dục, cán bộ quản lý giáo dục các cấp không đặt chỉ tiêu thi đua cho việc được công nhận giáo viên giỏi. Mỗi huyện hoặc cấp tương đương, mỗi cấp học chỉ nên công nhận không quá 10 giáo viên giỏi. Cấp tỉnh hoặc tương đương không quá 20 giáo viên giỏi. Cấp quốc gia không quá 50 giáo viên giỏi. Giá trị giải thưởng, ngoài yếu tố tinh thần, phải tính đến vật chất sao cho tương xứng. Kinh phí từ ngân sách là phần nhỏ, còn lại là sự đóng góp tự nguyện của các tầng lớp nhân dân, các tổ chức chính trị – kinh tế – xã hội nghề nghiệp, với tinh thần giáo dục là quốc sách hàng đầu.
Nhà giáo được ví như kỹ sư tâm hồn, nhà giáo giỏi – những chỉ số, tiêu chí, tiêu chuẩn để công nhận là cần thiết, nhưng cần hơn đó là căn cứ vào sự tận tụy của những người thầy trên bục giảng, sự công tâm, sáng suốt của những người được giao trách nhiệm công nhận giáo viên giỏi. Có như vậy, mới có thể lựa chọn những người thầy tiêu biểu, xứng đáng, thuyết phục.
Vn Express